TPO – Về lâu dài, thị trường bất động sản vẫn có điểm tích cực về nhu cầu, dù giá bán ở TPHCM và Hà Nội vẫn cao nhưng mức độ hấp thụ vẫn rất tốt, nghĩa là trên thị trường vẫn có một lượng lớn nhà đầu tư quan tâm.
Thị trường Hà Nội là hạt nhân
Phát biểu tại hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội” được tổ chức mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, năm 2024, so sánh từ các kênh đầu tư cá nhân như vàng, ngoại tệ, bất động sản… có nhiều biến động. Tuy nhiên, bất động vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo ông Kiệt, tại Hà Nội và TPHCM đã có sự khác nhau rõ rệt. Trong quý III/2024, nguồn cung mới ở Hà Nội là 8.277 sản phẩm, trong khi đó ở TPHCM chỉ có khoảng 127 sản phẩm mở bán mới – thấp nhất so với 10 năm trở lại đây.
Nhà đất TPHCM và Hà Nội cao nhưng mức độ hấp thụ vẫn tốt ảnh 1″/> |
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Xét về số lượng chào bán thành công thì lại có kết quả khá bất ngờ, khi TPHCM có lượng giao dịch thành công đạt hơn 2.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung mới chỉ có hơn 100 sản phẩm. Điều này chứng tỏ, nhu cầu thị trường vẫn đang duy trì ở mức ổn định, có sức hút nhất định. Tại Hà Nội có mức độ hấp thụ tương đương nguồn cung cho thấy thị trường này đang rất sôi động.
Về giá bán, dù nguồn cung tăng hay giảm thì giá vẫn có chiều hướng tăng. So với trước đây, thị trường Hà Nội luôn thấp hơn TPHCM khoảng 10-15 triệu, nhưng hiện tại Hà Nội gần như ngang với TPHCM, thậm chí dự kiến sẽ còn tăng hơn cả TPHCM vào những năm tới.
Theo ông Kiệt, Hà Nội có nguồn cung dồi dào hơn và do sự dịch chuyển về dòng đầu tư. Dẫn chứng là các nhà đầu tư phía Nam có xu hướng tìm về thị trường phía Bắc do nguồn sản phẩm đa dạng, chất lượng cao và nhiều dư địa để phát triển.
Một yếu tố quan trọng hơn nữa là Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, tạo quỹ đất, dư địa mở rộng các đại đô thị lớn tập trung ở phía Tây và cả phía Đông Hà Nội. Với lượng sản phẩm dồi dào, cộng thêm các chủ đầu tư phía Nam cũng ra Bắc để tìm quỹ đất phát triển dự án, kéo theo cả các nhà đầu tư quen thuộc của họ, nên tạo ra nhu cầu rất lớn đối với thị trường Hà Nội trong một thời gian rất ngắn.
Còn nguồn cung từ TPHCM vẫn rất ít nên dư địa và cơ hội để tạo ra sự tăng giá sẽ không cao. Từ đây đến cuối năm thị trường TPHCM vẫn giữ mức giá trung bình dao động từ 2-3%, nhưng ở Hà Nội đã có mức giá cao từ 5-6% nên có thể sẽ chạm ngưỡng TP.HCM, thậm chí còn có khả năng vượt.
CBRE Việt Nam dự báo, tới 2026 thị trường Hà Nội sẽ có 38.000 sản phẩm, trong khi tại TPHCM có khoảng 29.000 căn. Trong giai đoạn tới, Hà Nội được xem như hạt nhân của chu kỳ tiếp theo.
Thị trường vẫn tích cực
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, do đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần linh hoạt, sáng tạo, sử dụng thông tin thị trường hiệu quả để có thể trụ vững trên thị trường.
Cụ thể, thị trường bất động sản sau đại dịch COVID-19 đi xuống cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên có yếu tố tích cực đó là việc áp dụng sớm các luật lớn liên quan đến thị trường bất động sản cho thấy Chính phủ có sự quan tâm thị trường này. Trên thực tế, bất động sản không đơn thuần là một ngành nghề mà liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy việc các luật có hiệu lực sớm kỳ vọng sẽ những thay đổi mới tích cực hơn.
Nhà đất TPHCM và Hà Nội cao nhưng mức độ hấp thụ vẫn tốt ảnh 2″/> |
Tín hiệu tích cực trong chu kỳ tiếp theo của thị trường bất động sản bởi tốc độ đô thị hóa Việt Nam rất nhanh. |
“Các luật mới mở nhiều hơn là siết, mở rộng hơn để giải quyết những ách tắc liên quan đến pháp lý các dự án. Đây là ngành có yếu tố quan trọng và Chính phủ đẩy nhanh việc quản lý chặt chẽ để thị trường đi theo một chu kỳ mới, thuận lợi và bền vững hơn”, ông Kiệt nói.
Về lâu dài, ông Kiệt cho rằng, thị trường bất động sản vẫn có điểm tích cực về nhu cầu, dù giá bán ở TPHCM và Hà Nội vẫn cao nhưng mức độ hấp thụ vẫn rất tốt, nghĩa là trên thị trường vẫn có một lượng lớn nhà đầu tư quan tâm.
“Tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực trong chu kỳ tiếp theo bởi tốc độ đô thị hóa Việt Nam rất nhanh, nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng vấn đề đâu là sản phẩm để thị trường bất động sản phát triển”, ông Kiệt khẳng định.
Về giải pháp cho các nhà đầu tư cá nhân đang “mắc kẹt” tại các thị trường bất động sản ở tỉnh như Bình Phước, Long An, Lâm Đồng…, ông Kiệt cho rằng, đây là một trong những cái hệ lụy của các cơn sốt đất xuất hiện khi thị trường đi lên quá nhanh, diễn ra một cách bất thường. Hiện các thị trường này không tăng như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh vào các khoản mục đầu tư có tính thanh khoản giảm, nhà đầu tư cần phải xác định kỳ vọng đầu tư của mình là gì? Nếu không đủ khả năng, vay tiền mua và đang chịu áp lực về lãi suất lớn thì bắt buộc phải thoát hàng, chịu lỗ. Nếu đủ khả năng và tiềm lực tài chính thì có thể để đó 5 -7 năm, đầu tư dài hạn chờ đợi tăng giá.
Theo ông Kiệt, đối với nhà đầu tư cá nhân, xu hướng của thị trường trong giai đoạn mới là phục hồi với hành lang pháp lý mới, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng phát triển thực sự, xu hướng lãi suất giảm và các chính sách hỗ trợ từ nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính pháp lý rõ ràng và an toàn, lựa chọn đa dạng cho cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, thận trọng với xu hướng tăng giá nhanh của thị trường
Đối với doanh nghiệp bất động sản, xu hướng sẽ là giải tỏa các vấn đề pháp lý cho các dự án, ưu tiên tập trung vào tiến độ triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án, ưu tiên nhu cầu ở thực và các chính sách hỗ trợ mua nhà, tập trung vào năng lực tài chính cho quá trình triển khai, nhiều phương pháp hợp tác với các chủ đầu tư, quỹ đầu tư, ưu tiên tập trung vào nguồn sản phẩm có pháp lý rõ ràng.
Nguồn tin: https%3A%2F%2Ftienphong.vn%2Fgia-ban-nha-dat-tphcm-va-ha-noi-cao-nhung-muc-do-hap-thu-van-tot-post1685228.tpo
+ There are no comments
Add yours